Trương Văn Khoa đang làm việc cho một ngân hàng thương mại TP.Đà Nẵng. Anh không cố ý đi sâu vào công việc nghiên cứu, song với tất cả đam mê âm nhạc, những đóng góp của anh trong tập sách này thật đáng trân trọng.
Đó là miền quê hương tuổi thơ với “bao la đồi nương”, “mênh mông chiều sương” mà những lời ca của “Thu hát cho người” (Vũ Đức Sao Biển) vẫn không ngớt quấn quýt theo Khoa. Hay là một chiều cuối thu khi nhìn những đám mây dông vần vũ cuối chân trời, Khoa chợt nhận ra sự mê hoặc của “Mắt lệ cho người” (Từ Công Phụng) để rồi lặng ngồi trong một góc quán ưu tư, suy ngẫm... Hẳn nhiên, ở mỗi tác phẩm âm nhạc đều gắn với một hoàn cảnh sáng tác đặc biệt. Đồng thời, nó cũng gắn liền với người hâm mộ bởi một hoài niệm riêng tư. Do vậy, đôi khi, nơi tập sách này, tác giả đã gặp gỡ thổn thức cùng những bản tình ca ly biệt như một lời than thở, đượm màu tuyệt vọng (với “Nửa hồn thương đau” của Phạm Đình Chương) và cũng đôi khi cận kề không khi buồn rầu, ảm đạm ấy lại rực sáng lên niềm tin yêu mãnh liệt đốt cháy tận cùng (với “Xuân và Tuổi trẻ” của La Hối, hoặc “Jingle Bells – Khúc hát mùa Giáng sinh”). Qua 14 bài viết, có lẽ với Trương Văn Khoa là những tình ca tiêu biểu nhất trong vô số tình ca mà anh yêu thích. Chủ đề tập sách hướng đến hình ảnh những bóng hồng ẩn hiện trong từng ca khúc – thật gần gũi biết bao. Bởi “âm nhạc làm cho người ta nhớ về những cuộc tình, dù cho hạnh phúc hoặc đớn đau” (bài viết về Đoàn Chuẩn). Những trang viết của Trương Văn Khoa một lần nữa lại mở ra những khung trời lãng mạn, đánh thức người đọc cái cảm giác bồi hồi, chừng quên đi bao muộn phiền thực tại, mênh mang trong cõi âm thanh đầy ắp hình bóng xa xưa... |