Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Giới nhạc Việt Nam bức xúc vì bị 'xài chùa' tác quyền


Chuyện vi phạm bản quyền, sử dụng ca khúc trái phép từ lâu đã không còn mới lạ trong giới âm nhạc quốc tế cũng như ở Việt Nam. Nếu cách đây hàng chục năm, hành vi trái phép là những chiếc đĩa “lậu” bị bày bán tràn lan với giá bèo thì cho đến nay, chỉ cần có internet là bất cứ ai cũng có thể nghe nhạc một cách miễn phí. Điều đáng nói là công nghệ thông tin ngày càng phát triển thì hình thức vi phạm cũng ngày một tinh vi, trong khi luật trí tuệ và cách quản lý thì vẫn còn “lạc hậu”.

Nhớ lại hồi đầu tháng 10/2011, ca sĩ Thái Thùy Linh cũng đã từng lên tiếng “tố” 8 website âm nhạc vi phạm bản quyền đối với album Bộ đội . Khi đó, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã chính thức nhận bảo vệ quyền lợi cho ca sĩ này. Các website vi phạm đã buộc phải đàm phán để giải quyết “hậu quả”. Còn với album Mười tám + cũng đã được các trang web gỡ bỏ ngay khi nhạc sĩ Huy Tuấn lên tiếng “cảnh cáo” sẽ khởi kiện.

Ngay cả khi Luật Sở hữu trí tuệ ra đời, tưởng như các nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc, ca sĩ sẽ có một điểm “tựa” để tìm lại quyền lợi chính đáng của mình. Song thực tế, từ lâu những người làm nghề đã “âm thầm” sống chung với “lũ”.

Nhạc sĩ Anh Quân: Tại sao nhà quản lý coi đó là việc bình thường?


Nhạc sĩ Anh Quân chia sẻ, đây là nỗi bức xúc phải gọi là “thâm căn cố đế” vì nó có từ khi anh bước vào nghề. “Những nghệ sĩ làm việc chuyên nghiệp luôn ý thức về giá trị của sản phẩm mình làm ra nên không ai có khái niệm cho không. Nghệ thuật không phải miễn phí. Nhưng việc “ăn cắp” sản phẩm của mình thì vẫn diễn ra. Tôi biết, tất cả các sản phẩm của mình làm ra từ trước đến nay đều phải “sống” trong hoàn cảnh này. Trước đây, khi chưa có internet thì đĩa “xịn” bị mang sang Trung Quốc in rồi về bán tràn lan với giá “bèo”. Nhưng đấy vẫn còn là bán, vẫn thu tiền. Còn hiện nay, với công nghệ mạng phát triển thì hình thức phạm pháp đó lại diễn ra trên các trang nghe nhạc và hoàn toàn miễn phí. Thực tế, không thể trách người nghe vì để chọn nghe phải trả tiền và nghe miễn phí thì kể cả là một người lương thiện, họ cũng chọn miễn phí.

Vì vậy, chỉ có thể nhìn ở khía cạnh về quản lý. Chúng tôi đã trao đổi rất nhiều lần với cơ quan chức năng nhưng rồi “đâu lại vào đấy”. Nếu không có luật, không quản lý rõ ràng thì sẽ không xử lý được những vi phạm này nhưng hiện nay, cơ quan quản lý lại cho việc đó là bình thường. Họ không cho việc làm phi pháp này giống như thứ thuốc “lậu” ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng vô hình trung đấy lại chính là thứ thuốc “độc” làm ảnh hưởng đến cả một nền âm nhạc lâu dài”.

Nhạc sĩ Lưu Thiên Hương: Mạnh ai người đó … “chiến đấu”

Nhạc sĩ Lưu Thiên Hương cho biết chị luôn làm việc về các sản phẩm của mình qua VCPMC. Chuyện cho, tặng ca khúc hiện nay chỉ có thể là vì mối thân thiết còn tất cả các sản phẩm âm nhạc đều phải thông qua trung tâm tác quyền. Cũng chính vì vậy, việc kiểm soát những ca khúc vi phạm bản quyền sẽ gần như “mặc định” cho trung tâm vì nhạc sĩ như chị, không có thời gian đi kiểm tra nơi nào vi phạm, nơi nào không. Tuy nhiên, luật bản quyền của mình còn “tự do” nên khó mà kiểm soát được triệt để, nhất là với những sản phẩm cũ.

Các giải pháp thu bản quyền từ các trang mạng cũng đã từng được đưa ra nhiều năm trước đây nhưng đưa lên rồi lại đưa xuống vì không thực hiện được. Lý do là ảnh hưởng đến thu nhập kinh doanh của các trang mạng, còn tâm lý người dùng thì cũng đã quen với việc “xài chùa”.

“Theo tôi, cách giải quyết tốt nhất là những nhạc sĩ nào “mạnh”, sẽ tự lập công ty, tự quản lý, sẽ có riêng bộ phận chuyên nghiên cứu, kiểm soát những đơn vị sử dụng sản phẩm của mình. Còn với những nghệ sĩ “thấp cổ bé họng” thì đành phải chịu đựng tình cảnh này. Vì tự tay mỗi người sẽ không thể làm được mà chỉ trông chờ vào luật, cơ quan chức năng nhưng điều này rất khó thực hiện triệt để ở Việt Nam trong tình trạng hiện nay” - Lưu Thiên Hương nói thêm.

Ca sĩ Thanh Lam: Trông đợi vào khán giả văn minh

Với ca sĩ Thanh Lam - người cũng từng là “nạn nhân” của việc vi phạm bản quyền cách đây hàng chục năm, từ khi không chỉ những chiếc đĩa lậu mà cả video lậu, in những sản phẩm của chị bày bán ngoài thị trường hay phát tán tràn lan trên mạng, chị muốn “kêu gọi” ý thức từ chính những khán giả.

“Để cho ra đời một album, mỗi nghệ sĩ phải mất rất nhiều thời gian, công sức nên hành vi vi phạm bản quyền khi sử dụng trái phép sản phẩm là một điều thực sự tối kị.

Tôi cho rằng bên cạnh việc các cơ quan chức năng có những biện pháp mạnh, khống chế những hành vi vi phạm này thì chính những khán giả yêu âm nhạc, yêu mến nghệ sĩ, nếu họ trân trọng công sức lao động của chúng tôi, họ sẽ nghe nhạc văn minh, sẽ mua đĩa thật để ủng hộ chúng tôi. Sự động viên, ủng hộ của khán giả vẫn luôn là động lực làm nghề đối với chúng tôi”.

Hiện nay, cùng với sự phát triển công nghệ, việc thưởng thức một album online có lẽ là xu hướng “thức thời” thay vì cho ra đời những chiếc CD. Gần đây, một số ca sĩ cũng chọn hình thức phát hành online album hoặc single để tránh tình trạng đĩa lậu, để giảm bớt chi phí sản xuất và đồng thời đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghe nhạc nhanh và tiện lợi dành cho công chúng. Tuy nhiên, những chiếc CD ra đời luôn là sự thiết yếu không thể thay thế, bởi nó đánh dấu những mốc quan trọng trong sự nghiệp phát triển của người làm nghề.


Ngọc Minh
Thể thao & Văn hóa